Đánh giá chi tiết laptop ROG Zephyrus G GA502 – Siêu vũ khí phân khúc tầm trung của Asus

Kết hợp CPU Ryzen thế hệ 3 và GPU NVIDIA 16 series, ROG Zephyrus G không chỉ có hiệu năng mạnh mẽ mà còn có hiệu suất sử dụng năng lượng cực kỳ ấn tượng.

ROG Zephyrus G là một trong những mẫu laptop chơi game tầm trung nổi bật nhất trên thị trường hiện nay. Chiếc laptop này là kết hợp khéo léo giữa những ưu thế như hiệu năng mạnh mẽ, tính cơ động và một thiết kế tinh tế, sắc sảo đậm chất ROG.

Thiết kế tổng thể

ROG Zephyrus G có một thiết kế rất ấn tượng. Chiếc laptop này có vẻ ngoài không quá hầm hố dữ dằn, cũng không quá nhẹ nhàng mềm mại. Nó vuông vắn, gọn gàng, tinh tế và đẹp theo một cách rất riêng.

Phần nắp lưng bằng kim loại được chia làm 2 phần với hoa văn phay xước, tạo cảm giác sang trọng và mạnh mẽ cho chiếc laptop. Bên phải nắp lưng là một chiếc logo ROG với đèn LED đỏ, tạo điểm nhấn đặc trưng của thương hiệu ROG. Cạnh bản lề được khoét sâu, vừa tiện cho việc nhìn đèn báo tín hiệu, vừa thêm điểm nhấn cho chiếc laptop. Phần khe tản nhiệt phía sau nhiều chi tiết và bắt mắt, gây ấn tượng mạnh. ROG Zephyrus G chỉ dày có 2cm và nặng 2,1Kg, mang đến cho người dùng một chiếc máy tính mạnh mẽ nhưng vẫn rất mỏng và gọn gàng.

Cấu hình

Không chỉ có vẻ ngoài tinh tế và bắt mắt. Zephyrus G còn được trang bị cấu hình phần cứng mạnh mẽ:

  • CPU AMD® Ryzen™ 7 3750H với 4 nhân thực, 8 luồng xử lý và mức xung nhịp tối đa lên đến 4.0 GHz.
  • GPU NVIDIA® GeForce® GTX 1660 Ti Max-Q
  • Dung lượng RAM: 16GB (hỗ trợ lên đến 32GB với 2 khe cắm RAM)
  • SSD: 512GB NVMe PCIe 3.0.

Màn hình

ROG Zephyrus G được trang bị một chiếc màn hình rất “ngon” cả về thiết kế lẫn thông số kĩ thuật.

Màn hình trên ROG Zephyrus G có kích thước 15.6 inch, thiết kế tràn viền 3 cạnh với 2 cạnh trái phải và cạnh trên của màn hình có độ dày chỉ 6.2mm, diện tích tấm nền màn hình chiếm đến 81% diện tích thân máy, đem đến cho người dùng vùng hiển thị lớn hơn trong khi thân máy thì nhỏ gọn. Dòng chữ ROG ZEPHYRUS được in chìm ở cạnh dưới màn hình, tuy không nổi bật nhưng tinh tế và đẹp mắt. Về thông số kỹ thuật, chiếc màn hình này sử dụng tấm nền công nghệ IPS cho góc nhìn cực rộng và màu sắc ít bị biến đổi theo góc nhìn. Tần số quét của chiếc màn hình lên đến 120 FPS, các chuyển động trong game đều cực kỳ mượt mà. Tuy nhiên, vì độ bao phủ màu của chiếc màn hình này không thực sự rộng (71% sRGB) nên Zephyrus GA502 có lẽ sẽ chỉ tối ưu nhất cho việc chơi game.

Bàn phím và touchpad

Phần bàn phím của Zephyrus G được hoàn thiện tốt từ hình thức cho đến chất lượng. Layout bao gồm toàn bộ các phím chức năng quan trọng. Font chữ sắc nét đậm chất ROG và các bóng LED trắng được trang bị dưới từng phím, kể cả các kí tự phụ trên phím.

Công nghệ ROG Overstroke giúp đẩy điểm nhận phím lên 1/2 hành trình phím thay vì 3/4 hành trình phím như bàn phím thông thường giúp các phím nhận tín hiệu nhanh hơn, góp phần tạo ưu thế trong game. Tính năng N-key rollover cho phép nhận nhiều phím trong một thời điểm, loại bỏ tình trạng nhận thiếu phím khi thao tác tốc độ cao với các tổ hợp phím. Bàn phím cho cảm giác tactile khi gõ khá tốt, phần nền bàn phím được làm rất cứng cáp và hoàn toàn không hề có hiện tượng bị flex. Ngoài ra, chiếc bàn phím còn được thiết kế để người dùng có thể dễ dàng nhận diện các phím ngay cả trong bóng tối.

Các phím nóng để tăng giảm âm lượng, bật tắt microphone và phím tắt giao diện ROG Armoury Crate đem đến sự tiện dụng cao hơn cho người dùng. Ngoài ra, những thao tác như điều chỉnh độ sáng màn hình, độ sáng bàn phím, tắt màn hình, thay đổi chế độ quạt, khóa phím windows đều có thể được thực hiện bằng các tổ hợp Fn trên bàn bàn phím. Nhược điểm duy nhất trên chiếc bàn phím này nằm ở lực nhấn tương đối nặng (~79 g), nếu chỉ dùng để chơi game thì mức lực nhấn này sẽ hạn chế tối đa khả năng nhấn nhầm nhưng lại gây tốn sức nhiều hơn đối với gõ văn bản.

Về phần touchpad, bề mặt touchpad cho cảm giác di chuột tương đối mượt mà và không bị rít. Diện tích của touchpad cũng khá hợp lý, không lớn không nhỏ. Đối với người viết thì phần touchpad không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, vì đây là một chiếc laptop hướng đến người dùng là game thủ cho nên Asus ROG không quá tập trung vào touchpad cũng là điều dễ hiểu. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào những thứ khác nhiều hơn.

Âm thanh

Thông thường thì với những chiếc laptop trong tầm giá này thì chúng ta không thể đòi hỏi quá cao về hệ thống âm thanh, tuy nhiên thì hệ thống trên chiếc Zephyrus G gồm 2 loa 1W với công nghệ Smart AMP được hoàn thiện rất tốt, vượt ngoài mong đợi của người viết.

Khi nghe nhạc Aucostic, những âm thanh riêng biệt với nhau như giọng hát, tiếng đệm, tiếng bass, tiếng trống hiện lên chi tiết, rõ ràng và tách bạch. Chất âm của hệ thống loa khá cân bằng trong mọi dải âm, cho trải nghiệm sử dụng rất tốt trong nhiều tác vụ sử dụng khác nhau, từ chơi game, nghe nhạc, xem phim… tất cả đều rất tuyệt vời đối với một chiếc laptop, âm lượng cũng rất lớn.

Hiệu năng thực tế

Đối với một chiếc laptop gaming thì hiệu năng thực tế mới là điều quan trọng nhất, sau đây là những kết quả của ROG Zephyrus G sau khi thực hiện các bài test bằng nhưng phần mềm Benchmark phổ biến.

Sau đây là bảng thống kê số FPS trung bình thực tế khi chơi một số tựa game phổ biến (ở chế độ quạt Turbo Boost):

Khả năng tản nhiệt

Mặc dù rất mỏng nhưng Zephyrus G lại có khả năng tản nhiệt rất ổn. Trong quá trình test bằng Furmark (nhiệt độ môi trường khoảng 25 độ C), nhiệt độ cao nhất mà GPU GTX 1660 Ti đạt tới là 71 độ C. Nhiệt độ của CPU và iGPU cũng sẽ loanh quanh ở mức tối đa là 85 độ C. Đây là một mức nhiệt khá lý tưởng đối với một chiếc latop mỏng như thế này.

Hệ thống ống đồng và quạt tản nhiệt của Zephyrus G. Ảnh: Tom’s Hardware.
Ảnh: Tom’s Hardware

Phần nhiệt thất thoát lên bàn phím là có, bạn sẽ thấy phần phía bên trên bàn phím ấm lên. Tuy nhiên, ở cụm phím WASD mà chúng ta thường đặt tay vào sẽ luôn là phần giữ được mức nhiệt độ mát mẻ nhất (gần như không khác biệt với nhiệt độ môi trường) đảm bảo không ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Điểm trừ duy nhất của hệ thống tản nhiệt này chỉ có một điểm là ở độ ồn của nó mà thôi. Ở mức công suất cao nhất (chế độ Turbo), hệ thống quạt trên Zephyrus G có thể gây tiếng ồn ở mức 49 dB, đủ để bạn nghe khá rõ trong phòng kín, đây cũng là điểm chung của những chiếc laptop hiệu năng cao.

Các cổng I/O

Mặc dù chỉ dày có 2cm nhưng ROG Zephyrus G vẫn có thể đáp ứng cho người dùng đầy đủ các dạng cổng kết nối phổ thông giúp kết nối tốt với nhiều thiết bị khác nhau.

  • 1 x USB 3.1 Gen 2 Type-C với DisplayPort™ 1.4
  • 3 x USB 3.1 Gen 1 Type-A
  • 1 x HDMI 2.0b
  • 1 x Jack combo tai nghe và microphone 3,5mm
  • 1 x Khóa Kensington
  • 1 x Jack RJ-45

Thời lượng pin

Với CPU Ryzen thế hệ thứ 3, được sản xuất trên tiến trình 7nm thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Zephyrus G có hiệu suất sử dụng năng lượng rất ấn tượng. Với độ sáng 150 nits trong khi duyệt web, phát video, chạy các bài benchmark OpenGL và bật Wi-fi liên tục thì chiếc laptop này có thể sống sót xấp xỉ 4 giờ tính từ lúc đầy pin cho đến khi cạn sạch.

Kết

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp
  • Tản nhiệt tốt
  • Hiệu năng mạnh mẽ
  • Mức giá cực kỳ hợp lý
  • Loa được hoàn thiện tốt
  • Thời lượng pin rất lớn đối với một chiếc laptop hiệu năng cao

Nhược điểm:

  • Màn hình chỉ tối ưu tốt cho việc chơi game
  • Quạt tương đối ồn ở chế độ Turbo

Sản phẩm nào cũng có ưu và nhược điểm của nó, và Zephyrus G cũng vậy. Dù không phải là hoàn hảo về mọi mặt nhưng với những gì mà nó có thể mang lại thì người viết có thể khẳng định rằng đây là một chiếc laptop cực kỳ đáng mua trong tầm giá. Zephyrus G không chỉ mang lại cho bạn một hiệu năng mạnh mẽ, đủ đẻ chơi tốt mọi tựa game trên thị trường mà còn tạo nên đẳng cấp của người sử dụng với vẻ đẹp đặc trưng của thương hiệu ROG.

Xem thêm về sản phẩm tại đây


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *